Có một dự án "chìm" trong sai phạm (Bài 1): “Đất vàng vẽ voi thành đuôi chuột"

VHO- Dự án “Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược-thiết bị y tế và nhà ở” của Công ty TNHH TM Minh Khang (gọi tắt là Dự án Minh Khang) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2007. Từ đó đến nay là chặng thời gian hết sức bê bối của hoạt động dự án. Bốn lần chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, biến dự án “vàng” thành vụ án… treo lơ lửng, gây bất bình dư luận. Vì sao?

Có một dự án

 Khu đất nhà văn hóa từ 622,73m2 bị “đốn” còn 482,7m2 

Sau những lần điều chỉnh quy hoạch, không chỉ riêng diện tích đất xây dựng công trình nhà trẻ, nhà văn hóa bị “đốn” hẹp lại gần 4.000m2 mà đất công trình khách sạn 3-4 sao, siêu thị dược-thiết bị y tế, khu dịch vụ khám chữa bệnh, sân chơi TDTT, nhà xã hội và cây xanh… cũng bị “đốn” hơn 35.000m2. Kiểu “đốn hạ” này lộ rõ những “chiêu trò” vẽ con voi thành đuôi con chuột, khiến dự án trọng điểm phía Bắc TP Vinh (Nghệ An) mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng. 
 Dự án chiếm 7,86 ha tại xóm 20, xã Nghi Phú, TP Vinh. Đây là khu đất “vàng” có hai mặt tiền của hai tuyến đường lớn nhất TP Vinh. Đó là, đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (nối trung tâm TP Vinh với Cảng hàng không quốc tế Vinh) và đường 72m nối trung tâm TP Vinh với đường Trương Vân Lĩnh, nối thị xã biển Cửa Lò. Chủ đầu tư là ông Nguyễn Đình Khang, một bác sĩ ở TP.HCM (người đứng tên cùng ông Khang là Nguyễn Đình Minh, con trai ông). Tổng vốn đầu tư dự án hơn 800 tỉ đồng. Theo kế hoạch, tổ hợp công trình này được đưa vào sử dụng trong năm 2014. 
“Đốn” cả đất nhà văn hóa, khu cây xanh… 
Ngày 4.11, chúng tôi có mặt tại dự án Minh Khang. Hơn 100 ngôi nhà, biệt thự đều gắn biển số nhà với hàng chữ “Khu đô thị Minh Khang”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đứng nhìn khu đất xây dựng nhà trẻ được quy hoạch phê duyệt, rộng 4.865m2 (quy tròn) nay chỉ còn 2.584m2 với cỏ mọc, rào che. Đối diện khu đất này là 622,73m2 đất được quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, giờ chỉ còn 482,7m2 ẩn hiện giữa những đống đất đá và rác thải. 
Còn nữa, khu đất xây dựng khách sạn 3-4 sao, siêu thị kinh doanh thiết bị dược-y tế, khu dịch vụ khám chữa bệnh, sân chơi TDTT, khi cây xanh… như quy hoạch của dự án đã bị “hô biến” thành đất phân lô, bán nền. Một số người dân ở đây bức xúc: “Bán nền hết rồi. Đường dây cò đang chờ chia lô đất nhà trẻ, nhà văn hóa nữa là xong”. Một nguồn tin từ Ban quản lý dự án cho biết, mới đây ông chủ đầu tư trình hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch lần 5 với mục đích tiếp tục thu hẹp diện tích đất xây dựng nhà trẻ, nhà văn hóa… nhưng UBND tỉnh không chấp nhận. “Nếu điều chỉnh trót lọt thì chắc cũng đã “trôi” luôn rồi”, nguồn tin cho hay. 
Theo hồ sơ chúng tôi có được, khu khách sạn được quy hoạch 20.900m2. Siêu thị 5.200m2 nhưng sau bốn lần điều chỉnh quy hoạch thì đất của hai công trình này đã gộp vào một khối “khách sạn-siêu thị”. Hiện khối này chỉ còn 1.879m2. Riêng khu cây xanh được quy hoạch lần đầu là 13.900m2 nay chỉ còn 2.325m2. Đây là lý do cho đến thời điểm hiện tại, những hạng mục công trình trong thiết kế được phê duyệt như khách sạn, siêu thị, nhà ở xã hội và khu dịch vụ khám chữa bệnh không còn cơ hội xuất hiện. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mỗi nơi một kiểu, không như thiết kế ban đầu trong dự án, thi nhau mọc lên. Tại Đội Quản lý trật tự đô thị TP Vinh, chúng tôi được nghe những bức xúc của chính cán bộ ở đây: “Đã quá mệt mỏi vì những sai phạm ngoài sức tưởng tượng”. Ông Nguyễn Tất Thiện, Đội trưởng nói: “Cực kỳ nguy hiểm. Một lô đất họ bán cho 3-4 người nên đã xảy chuyện đánh nhau. Nhà họ xây không đúng theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Chúng tôi buộc họ dừng thi công nhưng cán bộ của đội không thể canh 24/24 được nên mạnh ai nấy làm. Cuối tháng 10, chúng tôi cưỡng chế hai hộ. Đầu tháng 11, cưỡng chế tiếp hai hộ khác. Phải có biện pháp mạnh thì họ mới dừng thi công. Mà cắt điện, cắt nước lại ảnh hưởng toàn khu đô thị”. 
Trong 5,5 trang liệt kê danh sách các công trình đã và đang xây dựng tại đây của Đội Quản lý trật tự đô thị TP Vinh cung cấp, cho thấy “có 124 công trình xây dựng trên nhiều lô đất và một công trình xây dựng trên đất quy hoạch cây xanh. UBND TP Vinh đã ban hành 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 42 công trình”. Ngoài ra, UBND TP Vinh trình 3 văn bản, đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 10 công trình xây dựng sai quy hoạch được duyệt (10 công trình này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh) nhưng tất cả đang dừng lại. 

Có một dự án

 Mặc dù bị ngừng thi công nhưng nhiều hộ trong dự án vẫn công khai xây dựng

Đua nhau bán “hơi” đất dự án 
Lần đầu tiên chúng tôi nghe hai từ “bán hơi” lạ tai của dân buôn bán đất dự án. Đi tìm sự lạ này, bà Nguyễn Thị Hiền, một nạn nhân cay đắng kể: “Năm 2011, tôi đến Sàn bất động sản Minh Khang để mua đất. Ông Khang, Chủ tịch HĐQT giới thiệu tôi với ông H.H.S để mua hai lô đất rộng 242m2. Đây là hai lô đất ông S được người thân “đặt chỗ” trong dự án Minh Khang. Sau khi thỏa thuận, tôi đến nộp tiền đất là 1.263.400.000 đồng và chi tiền chênh lệch cho ông S theo giá thị trường là 1.368.000.000 đồng. Không ngờ tai họa bắt đầu từ đây”. 
Theo bà Hiền, năm 2012 bà đi công tác nước ngoài thì ông S và ông Khang tự ý thanh lý hợp đồng rồi ông S bán “hơi” lô đất này cho một người khác và hưởng tiền chênh lệch theo giá mới, giống như kiểu đã bán cho bà Hiền. Năm 2017, bà Hiền về nước thì lô đất của bà đã nằm trong tay chủ mới. “Tôi nhiều lần đòi tiền ông S nhưng đến nay ông S còn nợ 468 triệu đồng cộng với tiền chênh lệch và tiền bồi thường. Đòi mãi số nợ này không được, năm 2019, tôi gửi đơn tố cáo tới cơ quan ông S công tác”. Bà Hiền nói và cho biết thêm, ngoài vụ mua phải đất bán “hơi” này, bà còn bị chính người trong dự án Minh Khang bán “hơi” một lô đất khác vào năm 2017. 
Tình trạng bán “hơi” không dừng lại ở đây bởi “có vụ còn “tanh” hơn nhiều”. Chị N.B.H có chồng nguyên là Phó giám đốc Công an Nghệ An (đã mất vì bạo bệnh) cũng là một nạn nhân trong vụ bán “hơi” có dấu hiệu lừa đảo. Chị H kể: “Một phụ nữ tên Vinh gặp tôi, hứa sẽ mua cho một lô đất trong dự án Minh Khang. Sau đó, bà Vinh đưa thêm hai người môi giới đến nhận tiền. Bây giờ tôi mới biết, đó là lô đất đang nằm trong quy hoạch. Tôi hỏi bà Vinh rồi hỏi ông Khang nhưng đều không có hy vọng lấy lại tiền”. 
Tại dự án Minh Khang, chúng tôi gặp một cựu cán bộ của UBND tỉnh. Ông buồn bã nói: “Tôi không rơi vào cảnh mua “hơi” đất dự án này. Nhà đã mua mấy năm mà nay vẫn không được cấp bìa đỏ. Tôi là khách góp vốn đầu tư dự án nhưng khi mới được cấp bìa xanh thì chủ đầu tư mang cái bìa này đi thế chấp để vay ngân hàng. Giờ dự án đổ bể, chủ đầu tư nợ thuế, nợ ngân hàng đến hàng trăm tỉ đồng khiến những người mua đất trên giấy như tôi sống dở, chết dở”. 

 “Sai phạm thì phải xử lý, không có vùng cấm” 
Những sai phạm diễn ra tại Dự án “Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược-thiết bị y tế và nhà ở” là nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Ít nhất có 6 loại hình vi phạm pháp luật xảy ra tại đây. Các phòng chức năng của Công an Nghệ An đã tiếp cận phần lớn những sai phạm. Chúng tôi đang chờ kết luận của Thanh tra tỉnh để củng cố vững chắc hồ sơ. Sai phạm thì phải xử lý, không có vùng cấm. 

(Thiếu tướng VÕ TRỌNG HẢI, Giám đốc Công an Nghệ An) 

 VŨ TOÀN 

Ý kiến bạn đọc